Khoảng 30 phút sau khi truyền dịch cấp cứu do ngộ độc, Thảo, 40 tuổi, bị phù nề mắt, khó thở, nghĩ đến điều tồi tệ nhất.
Chị Nguyễn Thị Thảo là bệnh nhân nặng nhất trong 171 người đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt do ngộ độc sau bữa ăn trưa tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, chiều 15/5. Hai giờ sau bữa trưa hôm qua, thực đơn gồm gà xào sả ớt, súp lơ xào, dưa chua và canh giá đỗ, Thảo cùng 350 công nhân của công ty bị đau bụng, buồn nôn.
Chị nhớ khung cảnh công ty lúc đó hỗn loạn, nhà vệ sinh chật kín, mọi người nôn cả ra hành lang, nhiều người không có chỗ nghỉ phải đến gốc cây nằm ói. Chị được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, bác sĩ truyền dịch thải độc. Truyền đến chai thứ hai, chị bỗng phù nề mắt, nôn nhiều, khó thở, phổi co thắt mặc dù không có tiền sử hen suyễn hay suy hô hấp. Bác sĩ Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu, chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ, điều trị theo phác đồ chống sốc.
“Tôi rất sợ, nghĩ đến cái chết, đó là một trong những cảm giác kinh khủng nhất”, chị Thảo nói.
Nằm kế bên giường chị Thảo là người phụ nữ 40 tuổi, cho biết bị buồn nôn kèm đau đầu, chóng mặt khoảng hai tiếng sau bữa trưa. Vài phút sau, chị thấy một vùng trắng xóa trước mặt, không còn cảm giác về môi trường xung quanh. “Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong phòng cấp cứu nên hoảng sợ, muốn tâm sự với người thân nhưng chỉ có một mình”, người phụ nữ nói.
Một bệnh nhân khác 50 tuổi, không có triệu chứng buồn nôn hay đau đầu sau ăn nhưng đến sáng nay có cảm giác co cứng, không thể cử động chân tay. Đồng nghiệp đưa chị đến bệnh viện cấp cứu, hiện tình trạng cơ cứng người đã hết, chị có thể trò chuyện được.
Ngoài ba bệnh nhân nặng này, các trường hợp còn lại bị đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt. Bước đầu các bác sĩ chẩn đoán họ ngộ độc thức ăn, điều trị triệu chứng, truyền dịch thải độc. Đến chiều nay 80 người được xuất viện.
Bác sĩ Thắng nói đây là trường hợp cấp cứu hàng loạt số lượng lớn và “tương đối khó khăn”. Trong vòng chưa đầy một tiếng, nơi này tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân. “Bệnh viện tập trung mọi nguồn lực cứu chữa”, ông Thắng nói và cho biết khó khăn nhất là việc huy động cả nhân lực không thuộc chuyên ngành y tế, làm việc theo chỉ đạo của y bác sĩ để cấp cứu hiệu quả.
Ngoài bệnh viện Lạc Việt, những công nhân khác cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, Trung tâm y tế thành phố Vĩnh Yên và theo dõi tại phòng y tế công ty. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, ba bệnh nhân nặng đang được điều trị, hiện sức khỏe ổn định, chưa phát hiện bất thường.
Sở Y tế Vĩnh Phúc sáng nay chuẩn bị 1.000 giường cho tình huống số người ngộ độc tăng, đồng thời huy động mọi nguồn lực cấp cứu. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị đình chỉ ngay bếp ăn của công ty này, đồng thời truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu bệnh phẩm để tìm nguyên nhân.
Ngày 14/5, gần 3.300 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ăn trưa, chia thành hai ca. Ca một lúc 11h30 có khoảng hơn 1.000 suất, ca hai lúc 12h30 có khoảng 2.000 suất. Suất ăn công ty tự nấu. Đến khoảng 14h, có 5 công nhân đau bụng, buồn nôn, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt Vĩnh Yên cấp cứu. Sau đó, hàng loạt công nhân có triệu chứng tương tự. Tổng cộng 351 công nhân bị ngộ độc.