Sau khi gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như nhiễm trùng tiêu hóa, đau khớp và tổn thương thận, một cô gái 25 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ.
Phát hiện bệnh sau khi xuất hiện các triệu chứng nặng
Ngày 1/7, đại diện Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhân nữ là chị L.T.Y.P. (25 tuổi, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh) gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng tiêu hóa, đau khớp và tổn thương thận.
Sau quá trình khám và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện chị P. bị lupus ban đỏ, một căn bệnh tự miễn gây biến chứng đa cơ quan.
Hai tuần trước, sau khi tham gia một bữa tiệc, bệnh nhân này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Bác sĩ tại Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ban đầu chẩn đoán cô bị viêm dạ dày ruột và nghi ngờ nhiễm trùng đường tiêu hóa, kèm theo viêm đa khớp với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ và đau ở các khớp bàn ngón tay, cổ tay và cổ chân trái.
Ngày 1/7, bác sĩ CKI Huỳnh Thị Thùy Trang, Khoa Nội Cơ Xương Khớp cho biết, các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân không điển hình cho bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân chia sẻ rằng cô thường xuyên bị sưng và đau các khớp, và đã điều trị trong thời gian dài mà không có kết quả, các bác sĩ bắt đầu nghi ngờ về một căn bệnh tự miễn.
“Bệnh lý tự miễn thường gặp ở người trẻ tuổi có các triệu chứng như vậy”, bác sĩ CKI Huỳnh Thị Thùy Trang nói. Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu đi tiểu có đạm, tổn thương thận và tràn dịch ở nhiều cơ quan như màng tim, màng bụng và màng phổi.
Các xét nghiệm chuyên sâu về cơ xương khớp và bệnh lý tự miễn sau đó xác định bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống, gây ra biến chứng đa cơ quan.
Bác sĩ thăm khám và kiểm tra tình hình sức khỏe cho bệnh nhân P. (Ảnh: BVCC).
Sau hơn 10 ngày điều trị theo phác đồ dành cho bệnh lupus, sức khỏe của cô gái đã có những cải thiện đáng kể. Các khớp không còn sưng đau, dịch ở màng phổi, màng bụng và màng tim đã biến mất. Các chỉ số lâm sàng của bệnh nhân đều cải thiện, chức năng của các cơ quan và máu đã trở về bình thường. Dự kiến cô sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Căn bệnh có nguy cơ tử vong gấp 2 đến 4 lần
Lupus ban đỏ, hay còn gọi là lupus ban đỏ hệ thống (SLE), là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan của chính mình. Điều này dẫn đến viêm và tổn thương ở nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm da, khớp, thận, tim, phổi, mạch máu và não.
Bác sĩ CKII Dương Minh Trí, Trưởng Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, cho biết, lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn, mạn tính, gây tổn thương nhiều tế bào do các kháng thể và phức hợp miễn dịch mà nguyên nhân chưa được biết rõ. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn 2-4 lần so với dân số chung.
Phát ban hình cánh bướm là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lupus ban đỏ.
Triệu chứng và nguyên nhân gây ra lupus ban đỏ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi kéo dài, đau sưng xương khớp (đặc biệt là ở các khớp nhỏ như bàn tay, cổ tay và ngón tay), phát ban trên da (điển hình là phát ban hình cánh bướm trên má và mũi, hoặc các phát ban khác trên da), rụng tóc, sốt không rõ nguyên nhân, khó thở kèm theo đau ngực (do viêm màng phổi hoặc viêm tim), dễ bị nhạy cảm với ánh sáng (dễ cháy nắng, phát ban sau khi tiếp xúc với ánh sáng).
Nguyên nhân chính gây tử vong thường do bệnh hoạt động (ví dụ tổn thương thần kinh trung ương, tổn thương thận), nhiễm trùng vì suy giảm miễn dịch hoặc biến chứng tim mạch. Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Lupus ban đỏ (SLE) có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể, bao gồm:
Da: Phát ban màu da, phát ban hình cánh bướm trên mặt và các vùng da khác.
Khớp: Đau và sưng khớp, đặc biệt là ở các khớp như bàn tay, cổ tay và ngón tay.
Thận: Tổn thương thận, gây ra các vấn đề liên quan đến chức năng thận.
Tim: Viêm màng nội tim (bệnh màng tim), gây ra các triệu chứng như đau ngực và khó thở.
Phổi: Viêm màng phổi, gây ra khó thở và các vấn đề hô hấp khác.
Mạch máu: Viêm mạch máu (lupus vasculitis), có thể dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn máu.
Não: Viêm não và các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh.
Mắt: Viêm mạch máu ở mắt, dẫn đến các vấn đề thị lực.
Tiêu hóa: Viêm dạ dày, ruột và các vấn đề tiêu hóa khác.
Các cơ quan và bộ phận có thể bị tổn thương do hệ miễn dịch tấn công các mô và cơ quan của cơ thể trong lupus ban đỏ. (Ảnh: Vectormine).
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có cuộc sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp. Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần tránh tiếp xúc tối đa.
Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường tái khám ngay.
Bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết các triệu chứng và quản lý bệnh đúng cách sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.